Các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nga liên tục soát xét và sửa đổi, cũng như thay mới nhiều tiêu chuẩn quan trọng trong lĩnh vực thiết kế kết cấu, trong đó có kết cấu bê tông và bê tông cốt thép. Thời gian soát xét, sửa đổi thường vào khoảng 3 năm một lần. Thời gian thay mới căn bản thường vào khoảng 10 đến 12 năm một lần.
Tiêu chuẩn thiết kế kết cấu bê tông và bê tông cốt thép của Việt Nam hiện hành là TCVN 5574:2012. Mặc dù được xuất bản năm 2012 nhưng thực chất nó đã được chuyển ngang từ TCXDVN 356:2005 với toàn bộ nội dung bên trong được giữ nguyên. Bản thân tiêu chuẩn đã được chuyển dịch từ tiêu chuẩn của Nga hơn 30 năm trước là SNIP 2.03.01-84*. Nghĩa là chúng ta đang sử dụng tiêu chuẩn quá cũ so với sự thay đổi khoa học và công nghệ trên thế giới. Điều này gây nhiều bất cập trong quá trình thiết kế. Hơn nữa, tiêu chuẩn đang quy định sử dụng các loại thép (như C-I, C-II, C-III...) theo các tiêu chuẩn cũ trước đây nên thực sự chưa gắn kết được với các tiêu chuẩn mới của Việt Nam về thép cốt bê tông hiện hành, kể cả thép dự ứng lực (ứng suất trước) như TCVN 1651:2008, TCVN 6284:1997, TCVN 6288:1997… và rất nhiều tiêu chuẩn khác được viện dẫn tới vì chúng đã được thay thế bởi những phiên bản mới nhất đã ban hành.
Vì vậy, để cập nhật các thông tin mới trong lĩnh vực thiết kế kết cấu bê tông và bê tông cốt thép, đã được soát xét và dự thảo mới thay thế dự kiến là TCVN 5574:2017. Dự thảo này dựa chủ yếu vào nền tảng của tiêu chuẩn Nga là SP 63.13330.2012 với những cập nhật bổ sung, chỉnh sửa tới năm 2016. Với cách tiếp cận này thì sẽ không gây sáo trộn nhiều trong giảng dạy, cũng như áp dụng trong thực tế. Hơn nữa, tiêu chuẩn [6] đã và đang được cập nhật trong các phần mềm tính toán chuyên dụng như ETABS, SAP, ROBOT,...
Trong Dự thảo mới này, nhiều điểm mới đáng được quan tâm chý ý, như thay đổi mô hình ứng suất sang mô hình biến dạng (chấp nhận giả thiết tiết diện phẳng) khi tính toán tiết diện cấu kiện, và những điểm mới khác được trình bày dưới đây.